Lợi ích của việc tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch

Tiêm chủng là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tổ chức Y tế Thế giới lấy tuần cuối tháng 4 hàng năm làm Tuần lễ tiêm chủng nhằm nhấn mạnh vai trò vắc xin trong phòng chống bệnh truyền nhiễm cho mọi lứa tuổi trong đó quan trọng là trẻ em. Hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng thế giới năm 2022 với chủ đề “Vắc-xin mang lại cuộc sống lâu dài cho tất cả mọi người”, Trung tâm Y tế huyện Tân Phú Đông xin cung cấp các thông tin về chương trình tiêm chủng mở rộng và các loại vắc xin phòng bệnh miễn phí cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng.

1. Lợi ích tiêm chủng

Tiêm chủng là sử dụng các hình thức khác nhau như (tiêm, uống,…) để đưa vắc xin vào cơ thể con người với mục đích tạo cho cơ thể đáp ứng miễn dịch chủ động để phòng bệnh.

Tác dụng của vắc xin là kích thích hệ thống miễn dịch của người được tiêm chủng để tạo ra miễn dịch phòng bệnh chủ động. Sau tiêm chủng có thể có thể phản ứng đối với vắc xin khi được đưa vào cơ thể. Hầu hết là phản ứng thông thường như phản ứng tại chỗ, sốt có thể là một phần của đáp ứng miễn dịch khi tiêm chủng vắc xin, tỷ lệ phản ứng và thời gian xuất hiện phản ứng của mỗi vắc xin là khác nhau.

Vắc xin là an toàn. Cũng giống như sử dụng thuốc, trong quá trình tiêm chủng mỗi cơ thể phản ứng với vắc xin khác nhau nên có người sau tiêm chủng bị đau tại chỗ tiêm, sốt nhẹ, một số rất ít có thể bị phản ứng nặng.

2. Những điều cần biết khi đưa trẻ đi tiêm

Để đảm bảo an toàn tiêm chủng cho trẻ, các bà mẹ cần biết những việc cần thực hiện khi đưa con đi tiêm chủng và biết cách chăm sóc và theo dõi trẻ sau tiêm chủng:

– Giữ gìn phiếu/ sổ tiêm chủng của trẻ để theo dõi quá trình tiêm chủng của trẻ, mang theo phiếu, sổ tiêm chủng khi đưa con đi tiêm chủng hoặc khi đi khám bệnh, chủ động thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình như đang ốm, sốt đang dùng thuốc hoặc có tiền sử phản ứng mạnh đối với loại vắc xin trong lần tiêm chủng trước, đề nghị cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe trước khi tiêm chủng.

– Chủ động hỏi cán bộ y tế về loại vắc xin được tiêm chủng lần này và những phản ứng có thể gặp, bế và giữ trẻ đúng tư thế theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

– Sau tiêm chủng cho trẻ ở lại theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng để phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm có thể xẩy ra, tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng, người theo dõi trẻ phải là người trưởng thành và biết chăm sóc trẻ. Các dấu hiệu cần theo dõi sau tiêm chủng bao gồm tinh thần, tình trạng ăn, ngủ, dấu hiệu về nhịp thở, nhiệt độ, phát ban, các biểu hiện tại chỗ tiêm để có thể phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường về sức khỏe của trẻ.

– Quan sát trẻ thường xuyên và chú ý không chạm, đè vào chỗ tiêm; không đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm. Nếu trẻ sốt cần cặp nhiệt độ và theo dõi ; cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của cán bộ y tế.

– Đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để theo dõi, điều trị nếu có những biểu hiện bất thường như sốt cao (trên 39°C), co giật, quấy khóc kéo dài, khóc thét, bú kém, bỏ bú, phát ban, tím tái, khó thở, sưng đỏ lan rộng tại chỗ tiêm…

Tiêm chủng mở rộng tại huyện Tân Phú Đông được thực hiện vào ngày 25-26 tây hàng tháng cho trẻ dưới 5 tuổi để phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Để trẻ được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các bậc phụ huynh cần ghi nhớ Lịch tiêm chủng cho trẻ như sau:

– Trẻ sơ sinh: Tiêm vắc xin phòng bệnh lao (BCG); Phòng bệnh Viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh.

– Trẻ đủ 2 tháng tuổi: Tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não do Hib lần 1; Uống vắc xin phòng bệnh bại liệt lần 1.

– Trẻ 3 tháng tuổi: tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não do Hib lần 2; uống vắc xin phòng bệnh bại liệt lần 2.

– Trẻ 4 tháng tuổi: tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não do Hib lần 3; Uống vắc xin phòng bệnh bại liệt lần 3.

– Trẻ từ 5 tháng tuổi: tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh bại liệt IPV.

– Trẻ đủ 9 tháng tuổi: Tiêm vắc xin phòng bệnh sởi lần 1.

– Trẻ 18 tháng tuổi: Tiêm vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván mũi 4. Tiêm vắc xin sởi – rubella (MR).

– Từ 12 tháng tuổi: Tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản mũi 1, mũi 2 sau mũi 1 từ 1-2 tuần, mũi 3 sau mũi 2 một năm.

Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất, vì sức khỏe của con mình các bà mẹ cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Vì vậy, các bậc cha mẹ, phụ huynh khi được các nhân viên Y tế thông báo, hãy quan tâm đưa trẻ đến Trạm Y tế địa phương để được khám, tư vấn và tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh miễn phí cho trẻ em. Vì sức khoẻ của con bạn và hạnh phúc của gia đình, hãy đưa con đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch./.

Lê Thị Yến Như – Khoa Kiểm soát bệnh tật.

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *